CUỘC THI SÁNG TẠO THANH THIẾU NIÊN NHI ĐỒNG TỈNH BÌNH ĐỊNH LẦN THỨ VIII (2020 - 2021): Nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo

Thứ sáu - 17/09/2021 08:09
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh lần thứ VIII đã thu hút nhiều học sinh tham gia với nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo. Qua đó, góp phần tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cho cuộc sống và học tập.
CUỘC THI SÁNG TẠO THANH THIẾU NIÊN NHI ĐỒNG TỈNH BÌNH ĐỊNH LẦN THỨ VIII (2020 - 2021): Nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo
Theo Ban Tổ chức Cuộc thi, cuộc thi thu hút 130 thí sinh với 70 giải pháp, trong đó có 44 giải pháp đoạt giải. Cuộc thi đã trở thành sân chơi trí tuệ lôi cuốn học sinh từ tiểu học đến THPT và có sức lan tỏa sâu rộng. Nhiều giải pháp bắt nguồn từ cuộc sống và quá trình học tập, mang tính sáng tạo, có giá trị, có tính ứng dụng cao.
Hội đồng giám khảo chấm điểm và góp ý để hoàn thiện mô hình ứng dụng vào cuộc sống. Ảnh: HỒNG HÀ
 

Hai em Đinh Thiện Nhân và Nguyễn Lê Châu Tùng, học sinh lớp 4A và 5A Trường Tiểu học số 3 Hoài Hương, TX Hoài Nhơn là 2 thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi với giải pháp "Game em yêu lịch sử Bình Định". Đây là một trò chơi trắc nghiệm vui nhộn được lập trình bằng phần mềm Scratch 3.0, với nội dung các câu hỏi và trả lời liên quan đến lịch sử của địa phương. Giải pháp được hội đồng giám khảo đánh giá cao bởi sự chịu khó, ham tìm tòi của các em khi nỗ lực chinh phục ngôn ngữ lập trình Scratch 3.0 vốn chưa được dạy trong chương trình sách giáo khoa; đặc biệt, giải pháp góp phần hỗ trợ việc dạy và học môn lịch sử.

Cuộc thi lần này còn có nhiều sáng kiến hay về đổi mới phương pháp học tập như: Sáng kiến ứng dụng công nghệ dựng hình 3D, thị giác máy tính để tạo ra sách pop-up để học môn lịch sử và tiếng Anh; khai thác các ứng dụng trên smartphone phục vụ cho việc học môn Toán trong mùa dịch... Chia sẻ về ý tưởng của giải pháp về sách pop-up, em Nguyễn Ngô Diễm Quỳnh (lớp 10 Chuyên Anh, Trường THPT chuyên Chu Văn An, TX Hoài Nhơn), cho biết: "Chúng em muốn làm một điều gì đó để cải thiện việc học tập trước hết là cho bản thân mình, sau đó là giúp các bạn khác học tốt hơn".

Điểm đáng lưu ý nữa là các thí sinh đã biết tận dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương để tạo ra những sản phẩm mới và hữu dụng, phục vụ đời sống hằng ngày như: Mô hình máy xay đa năng chế tạo thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ, hệ thống cho gà ăn tự động, hệ thống lọc rác ở cống tự động... Chứng kiến nhiều gia đình phải trả thêm rất nhiều tiền nước sinh hoạt do sự cố vỡ đường ống ngầm, nhóm học sinh đến từ Trường THCS Phước Thuận (huyện Tuy Phước) đã nghiên cứu tạo ra một thiết bị giúp phát hiện sớm tình trạng rò rỉ và vị trí rò rỉ. Thiết bị có cấu tạo đơn giản với chi phí tầm 1 triệu đồng. Khi bộ phận cảm biến dòng nước (đặt ở phía sau đồng hồ nước) phát hiện có dòng nước chảy sẽ tự động truyền tín hiệu đến van điện từ để ngắt nước. Đây là giải pháp mới được chính cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định đánh giá cao. Giải pháp được trao giải đặc biệt và chọn tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.

Để cuộc thi đạt kết quả tốt hơn rất cần sự chung tay của các cấp ngành, đặc biệt là vai trò của nhà trường trong việc đưa tiến bộ KH&CN vào phục vụ giảng dạy và Liên hiệp các Hội KHKT trong việc tăng cường nguồn lực từ xã hội hóa để có hình thức tôn vinh xứng đáng về vật chất, tinh thần đối với các tác giả, nhóm tác giả đạt giải cao.

Ông Dương Trọng Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Chu Văn An, TX Hoài Nhơn, chia sẻ: "Cuộc thi từ lâu đã trở thành sân chơi lý thú của các em học sinh. Đây là dịp để các em phát huy tư duy sáng tạo, làm quen với phương pháp làm việc khoa học, giao lưu và học tập kinh nghiệm. Qua đó, hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học và có những định hướng đúng đắn trong học tập cũng như lựa chọn nghề".

Về phần mình, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá: "Các giải pháp năm nay có sự chuẩn bị chu đáo, nhiều ý tưởng mới, sáng tạo và có sức sống. Trong đó, nhiều mô hình sản phẩm có giá trị KT-XH, khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống và học tập".

Tác giả: Admin Arrebol

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Trò chơi dân gian Cổ Nhơn ở Bình Định

Cổ Nhơn là trò chơi dân gian từ xưa còn lưu truyền đến ngày hôm nay và chỉ xuất hiện trong dịp tết. Trò chơi này có ở thị trấn Bồng Sơn và một số xã lân cận như Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Thanh,…, thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Trò chơi thường bắt đầu vào ngày cuối cùng của năm cũ (29, 30,...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết gì về Arrebol?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi