Cổ Nhơn là trò chơi dân gian từ xưa còn lưu truyền đến ngày hôm nay và chỉ xuất hiện trong dịp tết. Trò chơi này có ở thị trấn Bồng Sơn và một số xã lân cận như Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Thanh,…, thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Trò chơi thường bắt đầu vào ngày cuối cùng của năm cũ (29, 30, hay 31 tháng Chạp âm lịch) và kết thúc vào ngày mồng 4, 5 hoặc 6 tháng Giêng âm lịch của năm mới.
Cổ Nhơn được hiểu là “người xưa”, nghe nói là có từ trước giải phóng năm 1975, sau đó biến mất một thời gian, vài năm trở lại đây lại được gầy dựng lại. Trò này cũng tương tự như chơi xổ số hoặc bầu cua tôm cá, nhưng có nhiều sự khác biệt. Thay vì các dãy số trong vé số, hay 6 con vật trong bầu cua tôm cá gà nai, thì ở đây sẽ có tổng cộng 36 “con”. Sở dĩ “con” được đặt trong ngoặc kép, vì trò Cổ Nhơn có thêm “hòn đá”. Mỗi con đều có tên chữ rất hay và mang ý nghĩa riêng, ví dụ hòn đá có tên là Trân Châu.
36 “con” trong Cổ Nhơn gồm: 01 cá trắng (Chiếm Khôi), 02 ốc (Bản Quế), 03 ngỗng (Vinh Sanh), 04 công (Phùng Xuân), 05 trùn (Chí Cao), 06 cọp (Khôn Sơn), 07 heo (Chánh Thuận), 08 thỏ (Nguyệt Bửu), 09 trâu (Hớn Vân), 10 rồng bay (Giang Từ), 11 chó (Phước Tôn), 12 ngựa (Quang Minh), 13 voi (Hữu Tài), 14 mèo (Chỉ Đắc), 15 chuột (Tất Khắc), 16 ong (Mậu Lâm), 17 hạc (Trọng Tiên), 18 kỳ lân (Thiên Thân), 19 bướm (Cấn Ngọc), 20 hòn đá (Trân Châu), 21 én (Thượng Chiêu), 22 cu – chim cu (Song Đồng), 23 khỉ (Tam Hòe), 24 ếch (Hiệp Hải), 25 quạ (Cửu Quan), 26 rồng nằm (Thái Bình), 27 rùa (Hỏa Diệm), 28 gà (Nhựt Thăng), 29 lươn (Địa Lương), 30 cá đỏ (Tỉnh Lợi), 31 tôm (Trường Thọ), 32 rắn (Vạn Kim), 33 nhện (Thanh Tiền), 34 nai (Nguyên Kiết), 35 dê (Nhứt Phẩm), 36 yêu – yêu quái (An Sỹ).
Vào mỗi ngày diễn ra trò chơi, mỗi buổi sáng và chiều sẽ có một đề bài, gọi là câu thai. Câu thai thường là 4 câu thơ thể theo thể lục bát hoặc song thất lục bát, trong đó có ẩn chứa con vật sẽ xổ.
Buổi sáng đề xổ vào khoảng 12g30 đến 13g, còn buổi chiều vào khoảng 18g30 đến 19g. Mỗi buổi khi có câu thai mới, đáp án được bỏ trong một chiếc hộp và treo trên một cây cột cao như cây nêu, đặt ở giữa sân rộng, thường là nhà văn hóa hoặc sân vận động. Đến giờ xổ, người đại diện sẽ hạ chiếc hộp xuống và mở ra trước mắt nhiều người xem, kèm theo lời giải thích trực tiếp về con vật ẩn chứa trong câu thai.
Người chơi Cổ Nhơn muốn mua bao nhiêu con, bao nhiêu tiền cũng được. Mua 1, nếu trúng sẽ nhận được gấp 25 lần. Riêng người bán Cổ Nhơn thì nhận được 27 lần nếu có người mua trúng, chung cho người trúng 25 và còn lời 2 lần. Con vật xổ trong buổi trước đó sẽ không được xổ lại trong buổi kế tiếp. Ngoài ra, con trùn được xem là Ông Tổ của trò Cổ Nhơn, do đó, người cầm cái Cổ Nhơn cũng sẽ không bao giờ xổ con này, trừ khi, muốn cho trò Cổ Nhơn bị dừng vĩnh viễn. Vì vậy, ở mỗi buổi chơi, trừ buổi đầu tiên, sẽ chỉ còn lại 34 con vật, người chơi phải tính toán, và suy nghĩ theo câu thai để nghĩ ra số lượng con vật nên mua để có khả năng trúng cao mà vẫn phải còn lời.
Ngày xưa, trò Cổ Nhơn là một trò chơi trí tuệ và đầy ý nghĩa, bởi mỗi câu thai đề ra là ẩn chứa tên con vật ý nghĩa ở trong đó. Mỗi con vật đều có bộ (nhóm) riêng của mình, tổng cộng được chia làm 9 bộ:
Tứ Trạng Nguyên: cá trắng, ốc, ngỗng, công
Ngũ Hổ Tướng: trùn, cọp, heo, thỏ, trâu
Thất Sinh Lỹ: rồng bay, chó, ngựa, voi, mèo, chuột, ong
Nhị Đạo Sỹ: hạc, kỳ lân
Tứ Mỹ Nữ: bướm, hòn đá, én, cu
Tứ Hảo Mạng: khỉ, ếch, quạ, rồng nằm
Tứ Hòa Thượng: rùa, gà, lươn, cá đỏ
Ngũ Khất Thực: Tôm, rắn, nhện, nai, dê
Ni Cô: yêu
Mỗi con vật lại có con Thối Thân (thế thân) riêng của nó: cá trắng – trùn, ốc – ong, ngỗng – rắn, công – ngựa, cọp – hạc, heo – ếch, thỏ – hòn đá, trâu – nhện, rồng bay – kỳ lân, chó – chuột, voi – mèo, bướm – rùa, én – cu, khỉ – cá đỏ, quạ – dê, rồng nằm – tôm, gà – lươn, nai – yêu.